Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông trong thiên Dưỡng sinh sách Nội kinh yếu chỉ cũng đã viết: “Người đời thượng cổ đều biết phép dưỡng sinh, thể theo quy luật âm dương, điều hòa theo thuật số, ăn uống có tiết chế, làm việc nghỉ ngơi có giờ giấc điều độ, không phí sức bừa bãi, cho nên tinh thần và thể chất luôn luôn khang kiện”.
Mùa xuân vạn vật phục hồi, khí dương trong vạn vật cũng như trong cơ thể con người từ từ hồi sinh và thăng phát, hân hoan chào đón hơi ấm của mùa xuân sau một thời gian dài liễm tàng dưới tiết trời mùa đông lạnh giá. Cơ thể con người cũng hưng phấn cùng trời đất, toàn thân cảm giác nhẹ nhõm, tay chân linh hoạt, tinh thần phấn chấn, sức lực sung mãn, quá trình chuyển hóa thay cũ đổi mới trong nhân thể cũng dần dần vượng thịnh. Bởi vậy, phép dưỡng sinh mùa xuân nói chung và dưỡng sinh ăn uống nói riêng, trên cơ sở nguyên tắc thuận ứng với tự nhiên, phải chú ý bảo vệ và bồi dưỡng dương khí, tuân thủ nguyên tắc “xuân hạ dưỡng dương”.
Vận động, tập luyện
Ngủ dậy sớm, đi dạo ở sân, xõa tóc thả lỏng mình khiến cho chí nảy sinh. Mùa xuân, khí ấm được sinh ra, khí lạnh dần tan đi, ngủ dậy sớm, đi lại ở sân. Mùa xuân ứng với Mộc, cái khí của phương Đông dẫn thẳng lên đầu óc, nên phải xõa tóc cho nó sơ tán điều đạt.
Khí mùa xuân là thứ cần nhất cho muôn vật phát triển nảy nở, để cho nảy nở mà đừng giết đi, tạo điều kiện cho nảy nở mà đừng ngăn chặn, giúp thêm cho điều kiện nảy nở mà đừng tiêu hao đi, đó là cách làm ứng hợp với khí mùa xuân, cũng là phép dưỡng sinh.
Các phương pháp tập luyện dưỡng sinh theo y học cổ truyền rất phong phú, ví dụ: Thái cực quyền, Dịch cân kinh, các loại khí công, võ thuật hay đơn giản chỉ là tản bộ. Có loại lấy động làm chính, vận động toàn thân nhằm giúp cơ khớp được linh hoạt, cân mạch thông suốt, khí huyết lưu thông, điều hòa chức năng tạng phủ, từ đó cơ thể được khỏe mạnh.
Có loại lấy tĩnh làm chính, chủ động luyện “ý, khí, hình”, nhấn mạnh rèn luyện tinh thần, từ đó phát huy tác dụng chống lão hóa. Mùa xuân nếu có thể tập các bài dưỡng sinh nhẹ nhàng sau khi thức giấc cũng làm cho tinh thần sảng khoái trước khi bắt đầu ngày mới.
Thêm nữa, mùa xuân dương khí mới sinh, khí lạnh (hàn) vẫn còn, phong (gió) xuất hiện còn nhiều, hai thứ khí này kết hợp dễ gây cảm mạo phong hàn. Do vậy tập dưỡng sinh và giữ ấm cơ thể, không để tấu lý sơ hở thì tà khí không có cơ hội xâm nhập.
Nhân đây chúng ta cùng bàn một chút về khí công. Khí công là một phương pháp dưỡng sinh tương đối phát triển trong xã hội ngày nay – theo hướng tự rèn luyện là chính. Theo thời gian, khí công được phổ cập và lưu truyền với nhiều trường phái khác nhau. Tuy nhiên có thể chia làm hai loại: do người khác đạo dẫn và tự mình đạo dẫn.
Do người khác đạo dẫn là nhờ một loại công năng đặc dị của người khác điều trị bệnh cho mình. Tự mình đạo dẫn là tự bản thân, thông qua tập luyện của mà cải biến được sức khỏe. Thực tiễn đã chứng minh, duy trì tập luyện khí công đúng phương pháp sẽ giúp cơ thể tăng cường sức khỏe, chống lão hóa, có tác dụng chữa khỏi một số bệnh nhất định.
Do người khác đạo dẫn là nhờ một loại công năng đặc dị của người khác điều trị bệnh cho mình. Tự mình đạo dẫn là tự bản thân, thông qua tập luyện của mà cải biến được sức khỏe. Thực tiễn đã chứng minh, duy trì tập luyện khí công đúng phương pháp sẽ giúp cơ thể tăng cường sức khỏe, chống lão hóa, có tác dụng chữa khỏi một số bệnh nhất định.
Tuy phép dưỡng sinh bằng khí công vẫn còn ẩn dật sau lớp sương mù diệu kỳ, nhưng những hiệu quả nó mang lại, cùng những nghiên cứu mới đây mà khoa học hiện đại chứng minh đã khẳng định đây là một môn khoa học quý giá của phương Đông.
Ăn Uống
Sách Thiên kim yếu phương khuyên nên ăn ít của chua, nhiều của ngọt về mùa xuân để bảo dưỡng tỳ vị. Mặt khác, cũng cần chú ý tránh dùng quá nhiều đồ bổ béo, khó tiêu dễ làm tổn thương tỳ vị, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh lý đường tiêu hóa.
Nếu trong mùa xuân, sau khi mắc bệnh ôn nhiệt hoặc người mà cơ thể tân dịch tổn thương thì cần dùng phép lương bổ để tư âm sinh tân. Ngoài ra, phương nam mưa nhiều, nóng lạnh thay đổi thất thường, thấp khí vây khốn Tỳ khí, cho nên cần dùng những thuốc kiện Tỳ hóa thấp như Bạch linh, Đảng sâm, Câu kỷ tử, Uất kim, Đan sâm, Mạch môn, Hà Thủ ô, Huyền hồ… Đồ ăn thì có thể chọn những thứ có vị cay, tính phát tán như đại táo, hành, rau thơm, lạc, tỏi, gừng…
Mùa mưa, không khí ẩm thấp, thời tiết ấm áp là thời tiết tốt cho việc điều dưỡng Tỳ vị. Điều dưỡng Tỳ vị có thể nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể, có thể phòng chống lão hóa, ăn nhiều rau cỏ tươi, ăn nhiều hoa quả để bổ sung lượng nước cho cơ thể, ăn ít đồ dầu mỡ, tránh làm dương khí tiết ra ngoài, nếu không thì Can mộc thăng phát thái quá, sẽ khắc Tỳ thổ.
Những đồ ăn mùa mưa có thể chọn rau hẹ, bách hợp, cải cúc, ngồng cải, măng, hoài sơn, ngó sen, khoai sọ, củ cải, mía, còn về thuốc thì có thể chọn các vị giúp Tỳ vị tăng giáng và chức năng sinh hóa, ví dụ như: sa sâm, tây dương sâm, quyết minh tử, bạch cúc hoa, hà thủ ô hoặc bài bổ trung ích khí thang.
Nguồn :